Thảo luận: Tìm hiểu các giọng hát và lề lối hát Quan họ


I. KHÁI NIỆM VỀ GIỌNG VÀ TÍNH CHẤT CÁC GIỌNG TRONG QUAN HỌ: 

Trong quan họ, khái niệm giọng được hiểu theo nhiều cách khác nhau rất phức tạp. Muốn nhận thức được khái niệm này, trước hết phải căn cứ vào những quan niệm của các quan họ Bắc Ninh, xem họ hiểu thế nào là giọng và đặt tên cho giọng theo phương pháp nào.

A. Những cách hiểu khác nhau của quan họ Bắc Ninh về khái niệm giọng.

1. Trường hợp thứ nhất, giọng là âm sắc của tiếng hát mỗi người. Khi nghe một nghệ nhân quan họ khen một chị hát quan họ cùng thôn rằng: “Chị Lân có giọng thổ đồng hay lắm”. Như thế là họ hiểu nghĩa chữ “giọng” từ một khái niệm sơ giản về âm sắc, nói về màu sắc và tầm cữ của giọng hát thiên nhiên, thuộc về khoa học thanh nhạc.

Nhưng không phải họ dừng lại ở chỗ khái niệm sơ giản ấy, danh từ giọng trong quan họ được hiểu theo khái niệm về âm điệu trong nhiều trường hợp.

2. Trường hợp thứ hai, giọng chỉ một âm điệu chung của nhiều bài hát cụ thể. Khi nghệ nhân quan họ nói: giọng hừ la, tức là có những bài hát cụ thể (ở địa phương quan họ gọi là câu) cùng chung một âm điệu riêng, âm điệu ấy được đặt tên là hừ la. Vậy thì hừ la là một âm điệu riêng, đường bạn là một âm điệu riêng, la rằng là một âm điệu riêng, v.v… Cho nên khi nghệ nhân quan họ nhắc bạn hát lên một câu hừ la khác, tức là hát lên một bài cụ thể với lời ca khác nhưng cùng chung âm điệu hừ la, tức là giọng hừ la. Và như thế là: giọng hừ la gồm nhiều câu (lời ca), và câu hừ la (hừ la vui vẻ thế này…) là lời ca của một bài cụ thể theo giọng hừ la. Không thể nhầm lẫn giọng với câu. Giọng là để chỉ về âm điệu, còn câu là để chỉ về lời ca.

3. Trường hợp thứ ba, giọng không chỉ riêng một âm điệu, mà còn là chỉ chung một tổng số âm điệu của nhiều bài hát cụ thể được xếp thành một loại. Ví dụ như: tổng số các giọng hừ la, giọng la rằng, giọng đường bạn, giọng tình tang, giọng lên núi lên nương, giọng cái hời cái ả (mặc dù từng giọng đều có âm điệu riêng biệt) đều được xếp chung vào một loại và cũng được gọi chung là một giọng: giọng lề lối. Cho nên ta không lạ gì khi nghe thấy nói giọng hừ la thuộc về giọng lề lối (hai danh từ giọng dùng lẫn lộn); ý giả muốn nói âm điệu hừ la nằm trong một loại giọng gồm nhiều âm điệu khác nữa, tên loại giọng ấy là lề lối và theo đúng thủ tục hát quan họ, bất cứ một cuộc hát nào cũng phải bắt buộc hát mở đầu bằng loại giọng đó.

Một thí dụ khác: giọng vặt (còn gọi là giọng vụn) là chỉ chung một tổng số những âm điệu riêng biệt, khác nhau, có đến hàng trăm âm điệu riêng, có thể cũ, có thể mới sáng tác và không cần có thứ tự gì nhất định (mỗi âm điệu riêng ấy cũng gọi là giọng như trường hợp thứ hai đã nói: giọng lão, giọng lý, giọng ru, giọng chèo, giọng tuồng, giọng huỳnh, giọng hãm, giọng năm cung, giọng mười thương, v.v…).

Một thí dụ khác: giọng giã bạn là chỉ chung một tổng số những âm điệu riêng biệt khác nhau, lời ca khác nhau, được hát lên lúc sắp từ giã nhau, vào cuối cuộc hát, như bài: Giã bạn, Chia rẽ đôi nơi…

4. Trường hợp thứ bốn, giọng để chỉ các âm điệu khác nhau nhưng cùng chung một nguồn gốc.

Ví dụ như: giọng tuồng gồm nhiều âm điệu khác nhau với nhiều lời ca khác nhau cùng chung một nguồn ở tuồng mà được cải biên, sáng tạo, quan họ hóa. Giọng chèo, giọng lý, giọng văn v.v… cũng đều theo ý nghĩa đó. Cho nên ta không lạ gì khi thấy bài hát này có âm điệu phảng phất Sa lệch của chèo, bài kia có âm điệu phảng phất Hồi tiếu của chèo, nhưng cả hai bài với hai âm điệu khác nhau ấy cùng chung một nguồn gốc là chèo, nên vẫn được xếp chung vào giọng chèo.

5. Trường hợp thứ năm, giọng để chỉ một âm điệu phụ mở đầu cho một âm điệu chính hay kết hợp với một âm điệu khác. Đó là giọng bỉ với âm điệu riêng của nó mở đầu cho nhiều bài hát có âm điệu chính, thường gọi là bỉ đầu. Có khi bỉ kết hợp với một giọng khác thì gọi cả hai tên, ví dụ giọng bỉ chèo, giọng bỉ hãm. Chỉ có một trường hợp duy nhất hát giọng bỉ suốt từ đầu đến cuối trong bài Năm canh.

6. Trường hợp thứ sáu, giọng để chỉ nhiều âm điệu khác nhau được tổng hợp trong một bài hát cụ thể với nhiều lời ca khác nhau.

Thí dụ: giọng năm cung, giọng ba mươi sáu giọng gồm nhiều âm điệu khác nhau được tổng hợp lại thành một bài với nhiều lời ca khác nhau. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy bài ba mươi sáu giọng gồm đủ cả giọng lý, giọng chèo, giọng văn .v.v… bàiNăm cung gồm các giọng: la rằng, đường bạn, tình tang, giọng phú, giọng sai.

B. Nhân dân vùng quan họ Bắc Ninh đặt tên cho các giọng theo phương pháp nào?

Cách hiểu nghĩa về giọng như trên rất phức tạp, lúc thì theo tính chất thanh nhạc, lúc thì chỉ về một âm điệu riêng, lúc thì chỉ tổng số âm điệu xếp thành loại, lúc thì chỉ tổng số âm điệu khác nhau trong một bài, lúc thì chỉ nhiều âm điệu cùng chung một nguồn, lúc thì chỉ một âm điệu phụ mở đầu hoặc kết hợp với một âm điệu khác.

Chính vì vậy mà cách đặt tên cho các giọng cũng thực là tuỳ tiện, không theo một phương pháp khoa học nhất định. Một số tên gọi các giọng không cố định chính vì nó là một thuật ngữ, một danh từ chuyên môn, do nhiều nơi, nhiều người thuộc từng địa phương khác nhau sáng tạo nên và hiểu theo những khía cạnh khác nhau.

Ví dụ:

1. Cùng một bài hát, có nơi căn cứ vào tính chất thanh nhạc mà đặt tên giọng là giọng sổng (ở Đống Cao gọi là giọng thổng) tức là âm điệu thoát giọng thoát hơi; có nơi lại căn cứ vào lời ca, tiếng đệm trong bài mà đặt tên giọng như: hừ la, la rằng (chính là là rằng) hoặc a rằng, hoặc tôi rằng, chỉ vì mở đầu bằng câu: hừ la, là rằng, tôi rằng, a rằng1; có nơi lại căn cứ vào lề lối hát mà đặt tên là giọng ngay chỉ vì theo lề lối đáng lẽ là phải hát hừ la trước, nhưng vì hừ la cổ quá ít người biết hát nên vào đầu hát ngay la rằng, tôi rằng hoặc a rằng, nên gọi là giọng ngay (theo bà May ở thôn Bò Sơn, cụ Huyền ở Y Na).

Thế là cùng một bài hát với một giọng, một âm điệu giống nhau, những người hát quan họ đặt tên cho giọng có 3 cách: giọng sổng, giọng la rằng (tôi rằng, a rằng), giọng ngay.

2. Có bài hát đặt tên là giọng lão, chỉ căn cứ vào bài hát này phỏng theo bài hát của một nhân vật chèo là ông lão say (theo ông Tập, ở Viêm Xá).

3. Có bài hát đặt tên là giọng lính, chỉ căn cứ vào nội dung bài hát có nói về người lính (Trấn thủ lưu đồn, Chẻ tre đan nón).

4. Có bài hát căn cứ vào tính chất âm điệu, ví dụ âm điệu buồn thì gọi là giọng ai.

5. Có trường hợp căn cứ vào nguồn gốc của bài hát mà đặt tên giọng, ví dụ, giọng tuồng, giọng chèo, giọng văn…

6. Có trường hợp các bài mở đầu bằng bỉ và kết hợp với một giọng khác như chèo, hãm, thì đặt tên kép: bỉ chèo, bỉ hãm…

7. Có bài hát lấy tên địa phương gốc đặt cho giọng, ví dụ giọng Huế là một điệu hát phỏng theo một điệu ca Huế.

8. Có trường hợp tất cả một số giọng (âm điệu) bắt buộc hát theo một trình tự nhất định, được xếp cùng một loại cũng gọi là giọng. Những bài hát mở đầu hát theo trình tự và bắt buộc đối giọng gọi là giọng lề lối. Những bài hát vào giữa cuộc đủ các thứ giọng không cần hát theo trình tự trước sau thì gọi là giọng vặt. Những bài hát lúc sắp từ giã nhau, hát không theo trình tự và không bắt buộc đối âm điệu gọi là giọng giã bạn.

Cách đây khoảng 40 năm, ở làng Viêm Xá (Diềm) có mở một hội lớn và người ta đề một bản yết cáo để mở cuộc thi hát lấy giải quan họ. Theo bản yết cáo đó, ta thấy họ hiểu nghĩa chữ giọng và đặt tên cho giọng bằng nhiều cách, bằng nhiều phương pháp với nhiều khía cạnh khác nhau.

Dưới đây là bản yết cáo với những tên gọi các giọng (do chúng tôi gạch dưới, in chữ đứng):

Viêm Xá thuỷ tổ sang ta,

Đặt điều ca xướng đức bà sinh ra1

Xưa nay nam nữ trẻ già,

Nối giòng tiền cổ ắt là hiển vinh.

Ngẫm xem các giọng cho tinh,

Ai mà ca được phân minh rõ ràng.

Giai gái tiếng đất, vật sang2,

Ai mà ca được vẻ vang trên đời.

Hừ la kính chúc mấy lời,

Tôi rằng xếp đặt ở nơi ý mình.

Bạn lan, tình tang, ố tình3,

Gạo ngang, gạo dọc, cho xinh cái hừng4.

Cơm vàng, chiền chiện đã từng,

Thơ đúm, đàn đúm, tin mừng phong thư.

Cầm bằng, tình rằng thờ ơ,

Lên giọng đi cấy, ngâm thơ một mình.

Năm canh, phú dọc hữu tình,

Mười cung gẩy gót, năm cung giãi lòng.

Giọng Huế, ta lý, đường trong,

Đàn ngọt, đàn lẩy nhớ mong hãm, quỳnh.

Đào nương ý ức tính tình,

Ru hời, giọng lý lại thêm sênh tiền.

Buôn bông, con mắm thề nguyền,

Dang tay bẻ quạt, thêm phiền ông trăng.

Liện trang, Mường mán ca rằng,

Còn các giọng lá nói năng vô vàn.

Bản yết cáo làm bằng văn vần này gồm có các giọng, nhưng chưa thực hoàn toàn đầy đủ và chính xác. Chẳng hạn như một bài có chữ bẻ quạt thì dùng luôn hai tiếng bẻ quạt để làm tên cho giọng; về bài Ông trăng, trong quan họ có lắm giọng, lắm bài có chữ ông trăng, vậy trường hợp giọng ông trăng ở đây là chưa rõ nói về bài nào. Chính vì vậy cho nên bản yết cáo này chỉ là một ước lệ rất tương đối để đặt tên giọng.

C. Sắp xếp các giọng như thế nào cho đúng, cho khỏi lầm lẫn.

Như ở trên đã nêu rõ, cách hiểu nghĩa chữ giọng và cách đặt tên cho giọng là cả một vấn đề phức tạp, gây nhiều rối ren. Nếu không biết sắp xếp lại các giọng cho đúng và hiểu theo nghĩa cho đúng thì nhất định sẽ lạc hướng.

Theo chúng tôi, nên sắp xếp giọng chia thành loại theo trình tự một cuộc hát như sau:

1. Loại những bài hát mở đầu, thường gọi là giọng lề lối hay giọng cổ (theo các nghệ nhân quan họ, những bài hát thuộc loại này có từ lâu đời). Khi đã hiểu giọng lề lối hay giọng cổ là một loại giọng thì ta có thể xếp như sau :

Loại giọng lề lối (còn gọi là giọng cổ),gồm có:

– Giọng hừ la (thực tế là hừ là).

– Giọng la rằng (thực tế là là rằng, còn gọi là tôi rằng, a rằng, còn gọi là giọng ngay, giọng sổng hoặc thổng).

– Giọng đường bạn (còn gọi là bạn lan)

– Giọng tình tang (giọng cây gạo)

– Giọng lên núi lên nương

– Giọng cái hời, cái ả.

Và một số giọng khác, tất cả là 36 giọng theo như các lão nghệ nhân quan họ nói, nhưng đến nay đã quên mất một số.

2. Loại thứ hai thuộc giọng sổng. Loại này gồm tất cả các bài có riêng một âm điệu hát trước lúc mở cuộc hoặc nối tiếp sang loại giọng vặt. Thí dụ như trước khi hát các bài bắt buộc thuộc về giọng lề lối thì hát một bài chúc theo giọng sổng, hát hết bài thuộc loại giọng lề lối rồi thì hát một hoặc hai câu giọng sổng trước khi chuyển sang loại giọng vặt.

3. Loại thứ ba là loại giọng vặt (hoặc vụn) gồm tất cả các giọng linh tinh: giọng nhà tơ, giọng chầu văn, giọng Huế, giọng ai, giọng luyện, giọng sai, giọng lý, giọng tuồng, giọng chèo, giọng lượn, giọng lão, giọng lính, giọng chúc, giọng huỳnh, giọng hãm, giọng năm canh, giọng mười cung, giọng năm cung, giọng kể chuyện, giọng nhớ, giọng thương, giọng cung kiếm, giọng khoan đề, giọng nguyệt tà, v.v…

4. Loại thứ tư là loại giọng giã bạn gồm có tất cả các bài hát cuối cùng để từ giã nhau.


trung-tam-thuc-hanh-bieu-dien

Trung tâm Thực hành biểu diễn

Trung tâm biểu diễn thực hành Số 25 đường Thiên Đức, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Phụ trách Trung tâm: Cô giáo NSND Nguyễn Thúy Hường

View more
xuong-my-thuat-thuc-hanh

Xưởng Mỹ thuật thực hành

Xưởng Mỹ thuật thực hành. Số 25 đường Thiên Đức, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Phụ trách Trung tâm: Thầy giáo, ThS, Họa sỹ Lưu Quang Lâm.

View more
khoa-dan-ca-quan-ho-bac-ninh

Khoa Dân ca Quan họ Bắc Ninh

Là một đơn vị chuyên môn có chức năng tổ chức, điều hành, thực hiện quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập các môn học thuộc các loại hình dân ca...

View more
khoa-my-thuat

Khoa Mỹ thuật

Là một đơn vị chuyên môn có chức năng tổ chức, điều hành, thực hiện quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập các môn học thuộc ngành Hội họa...

View more
khoa-am-nhac

Khoa Âm nhạc

Là một đơn vị chuyên môn có chức năng tổ chức, điều hành, thực hiện quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập các môn học thanh nhạc, nhạc cụ dân tộc...

View more
khoa-nghiep-vu-van-hoa-du-lich

Khoa Nghiệp vụ Văn hóa Du lịch

Là một đơn vị chuyên môn có chức năng tổ chức, điều hành, thực hiện quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập các môn học về lĩnh vực du lịch, văn hóa du lịch...

View more