Theo chiết tự Hán-Việt, trừu tượng có thể được hiểu như sau: trừu, nghĩa là giữ lại; tượng, nghĩa là hình ảnh; vậy thì hội họa trừu tượng là một kỹ thuật, một thao tác nhằm “giữ lại” những hình ảnh để nó “không đi vào” trong tác phẩm. Những hình ảnh này có thể đến từ bất cứ thứ gì: thiên nhiên, hiện thực, tư tưởng, tình cảm...
Nhiều nghiên cứu ở phương Tây cho rằng, qua các tác phẩm như Bùa (Le Talisman, 1888) của P.Sérusier, Cánh đồng lúa mì với quạ (Les champs de blé aux corbeaux, 1890) của Van Gogh, Tiếng thét (Le Cri, 1893) của E.Munch, Ngựa trắng(Le Cheval blanc, 1898) của Gauguin, Những bông hoa loa kèn nước (Les Nymphéas, 1916) của Monet… là những phát xuất sớm của kỹ thuật và cái đẹp trừu tượng.
Về cột mốc 100 năm hội họa trừu tượng, nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm trừu tượng thực thụ là Thủy mặc trừu tượng(Aquarelle abstraite) mà Wassily Kandinsky (1866-1944) vẽ năm 1910. Ông chính thức bỏ chức giáo sư đi Munich học hội họa vào năm 1896. Năm 1908, sau khi vượt qua các yếu tố tượng trưng, tranh của Kandinsky dần đạt đến sự trừu tượng, mà loạt tranh Bố cục, ngẫu tác, ấn tượng đã thể hiện khá rõ.
Về sau cũng có nhiều ý kiến cho rằng kỹ thuật trừu tượng có bắt nguồn một phần từ tinh thần thiền tông và hội họa thủy mặc của Đông Phương. Xuất phát của nghiên cứu này vì Kandinsky đến từ Nga, ông là một nhà văn, người nghiên cứu và viết về mỹ thuật, trong đó có mỹ thuật của phương Đông trước khi vẽ trừu tượng. Bên cạnh đó, một bậc thầy trừu tượng khác là Hans Hartung (1904-1989), nhà tiền phong của nghệ thuật phi hình thể (Art Informel, còn gọi là Tachisme: chủ nghĩa vệt màu), người đã gặp Kandinsky ở Munich, qua Bắc Kinh học về thiền, trước khi vẽ tranh trừu tượng vào năm 1922.
Riêng hội họa trừu tượng ở Việt Nam, đến nay nhiều ý kiến vẫn tạm cho Tạ Tỵ (1921- 2004) là một họa sĩ tiền phong, khi những năm đầu của thập niên 1950 ông đã vẽ những bức tranh trừu tượng. Nếu cứ liệu về cột mốc này đúng, thì tính đến nay, hội họa trừu tượng Việt Nam đã có khoảng 60 năm lịch sử (?).