Nếu nói về hội họa của Trung Hoa có từ bao giờ thì thật mơ hồ. Gần như một bộ lạc, một dân tộc nào cũng có những hình vẽ từ thời tối cổ. Trong những hang động ở nhiều nơi, người ta đã tìm thấy những bức họa vẽ trên vách đá miêu tả hoặc sinh hoạt, hoặc thú vật của người tiền sử. Thành thử, một dân tộc có nền văn minh lâu đời như người Tàu hẳn có những dấu tích hội họa từ thời xa xưa nhưng xác định niên đại thì không thể chính xác được.
Cứ theo những sách vở còn ghi lại thì ngay từ thời Hoàng Ðế, khoảng 3000 năm trước Công Nguyên, Trung Hoa đã biết vẽ và kỹ thuật của họ phát triển thêm trong đời Hạ, Chu, Thương. Thế nhưng không còn một tác phẩm nào tồn tại mà chỉ kiếm được những đường nét, điêu khắc, hoa văn trên những mảnh di chỉ, đồng khí mà các nhà khảo cổ mới đào được gần đây.
Ðến thời Chiến Quốc (481-221 TTL), hội họa cũng phát triển song song với sự nảy nở về văn hóa và tư tưởng. Tuy hội họa vẫn chỉ hạn chế trong việc trang trí các vật dụng hàng ngày, nhưng đã tương đối độc lập và có tính chất đặc trưng hơn. Các loại đồ đồng, đồ đất nung, đồ sơn mài thời này cho thấy nghệ nhân đã vẽ các loại hình chim chóc, thú vật và con người mang tính tả thực và trang sức. Trong những khai quật thời Dân Quốc 1941-1949 ở Trường Sa và núi Trần Gia đã tìm thấy hộp đựng đồ trang sức bằng sơn mài và mảnh vải có hình vẽ và màu sắc từ đời Chu. Những nét đó đều dùng bút lông, đường vẽ đậm nhạt to nhỏ không đều.